Mọi vấn đề bàn luận về bóng đá Việt Nam xin đưa vào topic này. THân

Mở màn cho topic này có lẽ nên bàn đến 1 việc đang nhức nhối hiện nay, đó là vấn đề tiền thưởng cho những nhà đương kim vô địch AFF Cup

Trong đêm ĐTVN vô địch AFF Cup, những khoản tiền (hứa) thưởng trút xuống như mưa. Lạ thay, chỉ sau đó hơn 1 tuần, con số thực tế... hao đi chóng mặt. Biết làm gì để đồng tiền và lời hứa đừng... vênh nhau như thế???


1. Có thể hiểu rằng khi vui, người ta sẵn sàng làm rất nhiều việc, kể cả móc hầu bao chi ra những khoản tiền không hề nhỏ.
ĐTVN trong cái đêm 28/12/2008 không chỉ viết nên lịch sử bóng đá Việt Nam mà còn làm "lay động" hàng triệu con tim. Trong số ấy có khá nhiều những con tim doanh nghiệp.




Phút huy hoàng này của ĐTVN đã có lúc được "định giá" đến 15 tỉ đồng

Các nhà doanh nghiệp trong giây phút cả dân tộc thăng hoa, đã không tiếc gì vài chục triệu, vài trăm triệu, thậm chí cả tỉ bạc để thưởng cho đội bóng vừa "hoàn thiện" giấc mơ vàng. Điện thoại của các quan chức VFF liên tục rung lên với những cú phone chúc mừng, những tin nhắn chia vui, không quên kèm theo cả những hứa hẹn về vật chất.
Cứ thế, quỹ thưởng của ĐTVN "phình" ra nhanh chóng. Cho đến hết ngày 29/12, nghĩa là khi niềm vui vẫn còn dâng trào, người ta nhẩm tính rằng "nhẹ nhàng" nhất, ĐTVN cũng sẽ có ngót nghét 15 tỉ đồng.
Và cũng chẳng khó khăn lắm để "định dạng" túi tiền dành cho các cầu thủ. Loại A tròm trèm ra cũng gần 600 triệu, loại B 400, các loại C và D cứ thế mà thấp dần đều. Con số tối thiểu cũng phải tính bằng đơn vị "trăm triệu".
2. Nhưng cũng có thể hiểu rằng khi đã hết vui, (hoặc vẫn còn vui nhưng không nhiều quá), dường như người ta lại cảm thấy... tiêng tiếc với một quyết định chi tiền.
Thế là từ lời hứa cho đến hành động chuyển tiền, hoá ra lại là một quãng đường dài như vô tận.
Một ngày, hai ngày, ba ngày, các tuyển thủ lâng lâng ở trên mây, sum họp với gia đình, nhấm nháp vinh quang chiến thắng... Trong câu chuyện hàn huyên, họ thường nhắc đến khoản thưởng kếch xù với niềm hy vọng và cả những dự định màu hồng.




Tiền thưởng liệu có đủ giúp Quang Hải mua nhà cho mẹ?. Ảnh: Đức Anh


Như Quang Hải, anh ước ao mua cho mẹ một ngôi nhà nhỏ. Như Tấn Tài, anh đã hình dung về một tổ ấm sẽ dựng lên trên mảnh đất mua bằng tất cả "vốn liếng" đi đá bóng từ trước đó. Thuộc hàng "tỉ phú" như Dương Hồng Sơn cũng lên kế hoạch mua nhà Hà Nội bằng tiền thưởng AFF Cup...
Vậy mà...
Gọi là vỡ mộng thì không hẳn, bởi thực tế, các tuyển thủ cũng đã được thưởng (một khoản nho nhỏ cho thành tích vượt qua vòng bảng) và rồi đây cũng sẽ được nhận nốt khoản lớn hơn (cho chức vô địch) trước Tết Nguyên đán.
Song, "nguy cơ" họ chỉ được nhận 2/3 hoặc thậm chí là phân nửa số tiền như "bánh vẽ" đang hiển hiện.



3. Các cầu thủ không giấu được nỗi thất vọng, hụt hẫng.
Cho đến hết ngày 12/1/2009, tức là 15 ngày sau khi lên đỉnh ĐNÁ, 1 ngày trước trận đấu lớn đầu tiên của năm mới với Lebanon và tròn 2 tuần nữa là đến Tết âm lịch, các cầu thủ vẫn chưa được chia tiền. VFF bảo rằng VFF muốn chia lắm rồi, để nhẹ cả gánh lo cho VFF lẫn nâng tinh thần cho cầu thủ, nhưng không được.
Nguyên nhân: "lúa" chưa về!




Ông Lân Trung: Khổ vì đi đòi tiền! Ảnh: Đức Anh


Theo Phó Trưởng đoàn Nguyễn Lân Trung, người chịu trách nhiệm nhận tiền thưởng từ các "doanh nghiệp hứa", thì số tiền thực tế rót vào tài khoản của đội bóng cho đến thời điểm này chỉ là 7 tỉ (cộng cả 2 khoản cố định của VFF và AFF).
Có đơn vị hùng hồn tuyên bố thưởng 3 tỉ nhưng rốt cuộc chỉ chịu bỏ ra 500 triệu. Một số khác đang tìm cách lần lữa, trốn tránh trách nhiệm chi tiền.
Tình trạng này, thật ra năm nào cũng có. Không với giải này thì giải nọ, không với tuyển nam thì tuyển nữ. Các kỳ SEA Games, rồi ASIAN Cup 2007, VFF đều bị... xù tiền. Có nữ cầu thủ được hứa thưởng cả ngàn đô Mỹ, nhưng khi hỏi cặn kẽ thì chẳng biết phải "truy" ai...
Vậy thì người thiệt thòi nhất chính là các tuyển thủ. Thứ bị lợi dụng nhiều nhất chính là thương hiệu của ĐTVN. Và, đứng ở giữa, VFF cũng chính là bên khó ăn khó nói.
Trong khi đó, nhờ có chiếc Cúp vàng mà không biết bao nhiêu danh vị các Công ty này, ngân hàng nọ, rồi doanh nghiệp A, đơn vị B... bỗng nhiên được xướng tên trên báo, đài, tivi, website... Âu cũng là một chiêu thức quảng cáo tinh nhạy, mà nếu không mất tiền thì lại càng cao tay.


4. Rất nhiều người hâm mộ đang bất bình thay cho ĐTVN.
Có người đã "hiến kế" đòi tiền bằng cách công khai danh tính những đơn vị, cá nhân đã "có nhời" trên các phương tiện thông tin đại chúng. VFF cứ chiếu theo số tiền thưởng đã hứa để truy thu.
Đó không phải là một giải pháp tồi. Chỉ có điều một khi đã phải "ngửa bài" ra với nhau như vậy thì còn gì là ý nghĩa của việc trao thưởng, động viên?





Có những "doanh nghiệp hứa" đang lợi dụng hình ảnh của Công Vinh, Tài Em... Ảnh: TTXVN


Ấy mới chỉ là xét về tình. Còn về lý, chuyện tiền nong, muốn chặt chẽ thì bao giờ cũng phải đi kèm với hợp đồng, biên bản hay thoả thuận... Cái tế nhị, và cũng là cái khó, nằm ở chỗ chẳng thể vin vào một cuộc điện thoại hay một tin nhắn để riết róng đòi tiền.
Có lẽ các cầu thủ không có may mắn được nhận những khoản riêng từ tỉnh, thành phố hay các đơn vị, tổ chức có trách nhiệm... sẽ đành phải chấp nhận một sự thực là tiền thưởng chung bị "hao mòn" chóng mặt. Nhiều người sau 2 tuần "thao thức" đã không còn đủ kiên nhẫn để xem sẽ được thưởng bao nhiêu.
Với họ, dù ít dù nhiều thì cũng là một lần thưởng. Thà ôm "một cục" gửi về cho gia đình ăn Tết còn hơn là cứ mòn mỏi đợi chờ thiện chí từ các "doanh nghiệp hứa"!


Anh Đức _ vietnamnet