Bạn gặp phải trục trặc hệ thống với nhiều lỗi hệ thống kì lạ và nghi ngờ liệu có phải do những thanh nhớ RAM chất lượng kém ? Bài viết này sẽ giúp bạn lần theo dấu vết và xác định nguồn gốc những lỗi đó.

Chiếc máy tính chạy hệ điều hành Windows của bạn gặp lỗi mà không có lý do nào cả ? Chuyện này cũng bình thường thôi, với hàng triệu dòng lệnh cho Windows và các phần mềm, sai sót là điều khó tránh khỏi. Thế nhưng nếu nó có lặp lại nhiều lần vào những thời điểm lộn xộn lại là một vấn đề khác. Trong trường hợp này, có nhiều khả năng bộ nhớ của máy tính bạn đang sử dụng có vấn đề bất ổn. Bộ nhớ lỗi sẽ khiến cho máy tính không ổn định và gặp nhiều lỗi khó xác định. Những lỗi này đôi khi khiến cho bạn trở nên kẻ ngớ ngẩn trước những kĩ thuật viên ở các cửa hàng vì chúng cực khó để tái hiện lại. Trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng đề cập tới các triệu chứng thường gặp của bộ nhớ bị lỗi cũng như tìm hiểu một số phần mềm kiểm tra RAM sẽ giúp bạn rà soát các trục trặc có thể phát sinh.

I – Khi bộ nhớ tốt gặp trục trặc:

Một thanh RAM máy tính bao gồm nhiều chip nhớ Silicon hàn vào một bản mạch. Cấu trúc này khiến cho bộ nhớ có tỉ lệ an toàn cao hơn nhiều so với các linh kiện khác trong PC. Tuy nhiên nó lại là một trong những thành phần được sản xuất với số lượng nhiều và nhanh nhất. Các chip DRAM được kiểm tra trước khi vận chuyển đi. Quy trình này sẽ loại bỏ phần lớn các chip lỗi. Mặc dù vậy, một thanh nhớ tốt có thể chuyển thành lỗi với vô vàn khả năng khác nhau.
Trước tiên cần đề cập tới vấn đề tĩnh điện từ những thao tác lắp ráp hoặc vận hành thiết bị sai quy cách. Bạn nên tránh vuốt ve chó mèo khi đang lắp cặp RAM 1GB đắt tiền mới mua. Tương tư như vậy, xung điện hoặc những bộ nguồn kém chất lượng sẽ “luộc” cặp RAM của bạn nhanh hơn trước khi bạn kịp nhận ra. Ngoài ra, nếu bạn là dân chơi ép xung, thao tác ép điện RAM lên quá cao cũng sẽ làm hỏng những chủng loại RAM với chip nhớ kém sức chịu đựng.
Lý do thứ hai chính là vấn đề bụi bặm trong máy tính hoặc hơi ẩm trong không khí sẽ gây ra chạm mạch giữa các đoạn mạch gần nhau khiến cho RAM bị hỏng. Những tác động vật lý như rơi, dính nước, nhiệt độ cao cũng có tác động xấu.

Một lý do nữa hiếm xảy ra nhưng bạn cũng nên để ý đó là việc bo mạch chủ của bạn có các khe RAM lỗi. Bất cứ thanh RAM nào tốt khi gắn vào các khe cắm lỗi cũng trở nên bất ổn mặc dù chúng không phải như vậy.
Thật may mắn khi bộ nhớ máy tính hiện đại được sản xuất công nghiệp với số lượng lớn đồng loạt nên có rất ít lỗi từ phía nhà sản xuất so với các sản phẩm linh kiện còn lại. Đại đa số nơi bán đều cung cấp chế độ bảo hành lên tới vài năm. Thậm chí những nhà sản xuất như Corsair, Crucial hay Kingston còn bảo hành trọn đời cho các thanh RAM của họ. Tất nhiên người dùng phải trực tiếp gửi về tận hãng sau thời hạn bảo hành do đại lý đặt ra.


__________________