Share game FM24 (PC)
Hiển thị kết quả từ 1 tói 10 trong tổng số 10
  1. #1
    Ngày tham gia
    10 Nov 2007
    Đến từ
    NEVERLAND
    Số bài viết
    2,089

    Các huyền thoại của bóng đá Ý

    Có thể anh không phải là số 1, nhưng khi nhắc đến bóng đá Ý, cái tên đầu tiên hiện ra trong đầu tôi chính là anh:

    ĐUÔI NGỰA THẦN THÁNH ROBERTO BAGGIO




    Hồ sơ :

    Roberto Baggio sinh ngày 18 tháng 2 năm 1967 tại Caldogno, Veneto, Italia

    CLB : Vicenza (1982-1985) Fiorentina (1985-1990) Juventus (1990-1995) A.C. Milan (1995-1997) Bologna (1997-1998) Inter Milan (1998-2000) Brescia (2000-2004)

    Đội tuyển quốc gia Ý ( 1988-2004 ) 89 trận 27 bàn thắng

    Thành tích :
    + VĐ UEFA Cup mùa bóng 92/93
    + VĐ Serie A mùa bóng 94/95
    + VĐ Cúp QG mùa bóng 94/95
    + VĐ Serie A mùa bóng 95/96
    * Các thông tin khác:
    - 1993: Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới do FIFA bầu chọn
    - 1993: Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu do tạp chí France Football bầu chọn
    - 1993: Đoạt danh hiệu "Quả bóng vàng châu Âu" do UEFA bầu chọn
    - Baggio được chọn vào danh sách "The FIFA 100" (100 cầu thủ XS do FIFA bầu chọn), nhân dịp kỷ niệm 100 năm FIFA.
    - Baggio xếp thứ 24 trong danh sách 50 cầu thủ xuất nhất châu Âu 50 năm qua do UEFA bầu chọn nhân dịp kỷ niệm 50 năm UEFA.
    - Tham gia 3 kỳ World Cup: 90, 94, 98 với 16 trận - 9 bàn

    Thông tin :

    Những pha ăn mừng bàn thắng và mái tóc đuôi ngựa gợn xoăn dường như đã đi vào huyền thoại... Đến bây giờ, nỗi nhớ ấy vẫn còn, không chỉ với những NHM Juve mà là cả với các Milanista, Interista và với tất cả những ai đã và đang yêu bóng đá Ý. Một tình cảm đặc biệt, cho chỉ Baggio và một Baggio mà thôi!


    Cuộc đời Roberto Baggio giống như một bản nhạc, khi nhẹ nhàng êm ái, lúc lại say đắm dữ dội, để mỗi khi thưởng thức nó, đã có biết bao những trái tim bật khóc và dâng lên những tình cảm thổn thức khôn nguôi. Câu chuyện mang tên anh chỉ giản dị thôi, nhưng diệu kì biết bao...

    Câu chuyện về anh được bắt đầu tại Firenze- thành phố luôn ngập tràn những tình cảm lãng mạn ở nước Ý, trong sắc tím của The Viola lừng danh một thời. Năm 1985, Fiorentina đón chào một ngôi sao mới của Calcio - R. Baggio. Sự xuất hiện của chàng trai trẻ hào hoa ấy tại Florence đã làm đảo lộn mọi thứ: đưa Fiorentina từ một đội bóng hạng xoàng đang có nguy cơ xuống hạng trở thành một trong "7 chị em anh hùng" của Serie A. Một điều thần kì!


    Dường như chỉ có những huyền thoại mới có thể thực hiện được điều đó, như cách Maradona đã từng làm với Napoli và bây giờ là Baggio với Fiorentina. Những bàn thắng đẹp như mơ, những pha đi bóng uyển chuyển và một gương mặt quyến rũ làm mê đắm hết thảy. Baggio tựa một thiên thần chơi bóng như để làm đẹp cho cả thế giới. Người ta tin rằng tương lai anh sẽ là một tên tuổi lớn. Người dân Firenze cũng tin vào điều đó, tin vào Roby của họ. Họ tôn thờ anh như một "Đấng cứu thế" và cho rằng người hùng của đội bóng sẽ không bao giờ rời xa họ.



    Vậy nên khi diễn ra cuộc chuyển nhượng kỉ lục của Calciomercato trị giá 17 triệu USD đưa Baggio về Juventus (1990), lập tức các tifosi Fio đã nổi loạn, đập phá và biểu tình dữ dội ở trụ sở CLB đòi anh ở lại. Nhưng họ đã không làm được, rút cuộc Roby vẫn phải chia tay đội bóng áo tím để thay sắc áo của mình thành hai màu đen trắng huyền bí, cho dù trong lòng anh là một nỗi buồn nặng trĩu.

    Còn các CĐV, họ vẫn không chịu buông tha anh, họ tức giận và không tha thứ cho "Hoàng tử bé" của mình, họ nói anh là kẻ phản bội. Roby chỉ im lặng. Và có một giai thoại đáng nhớ về anh trong trận đấu giữa Juve và Fio vào mùa bóng ngay sau khi anh rời Fio. Baggio đã từ chối đá quả penalty cho Juve trong niềm xúc động của các tifosi Fiorentina. Họ chợt nhận ra rằng họ không hề tiếp tục thù ghét anh, cho dù lòng trung thành với CLB không cho phép họ tha thứ khi thần tượng của họ rời đội bóng ra đi.

    Nhưng nó chỉ càng chứng tỏ rằng họ luôn yêu anh thật nhiều. "Baggio, hãy về với chúng tôi". Câu biểu ngữ xa xăm năm nào sẽ luôn còn ám ảnh và in đậm lên từng trang hoài niệm của Fiorentina. Thời gian không thể xoá nhoà những kỉ niệm của anh ở xứ sở Toscana đầy nắng được. Một điều chắc chắn là vậy!

    Có lẽ những năm tháng ở Juve chính là hồi ức ngọt ngào và vinh quang nhất trong suốt chặng đường sự nghiệp nhiều nước mắt hơn nụ cười của anh. 5 năm dưới màu áo Bainconeri, Roby đã toả sáng rực rỡ khiến hình ảnh mái tóc đuôi ngựa của anh dần đi vào tiềm thức những tifosi như một biểu tượng đẹp đẽ của tình yêu và lòng đam mê.


    Thánh Johan Cruyff từng nhận xét về Baggio:

    "Baggio là một pháp sư. Một trong những thi sĩ cuối cùng còn lang thang trên sân cỏ. Anh là sự phản bác hay nhất cho những ai nghĩ rằng nước Ý chỉ sinh ra những hậu vệ vĩ đại. Baggio chính là cầu thủ phóng túng nhất Thế giới". Lời ngợi ca của Thánh Cruyff đã đủ để nói lên vẻ đẹp tài hoa trong đôi chân thi sĩ của Roby.

    Thật vậy, anh là một trong số ít những cầu thủ có khả năng tạo nên sự khác biệt và những điều kì lạ trong một trận đấu. Phong cách của anh, lối chơi mà anh thể hiện, rất khó để tả thành lời. Nó đầy sáng tạo, nhiều đam mê và cũng thật truyền cảm. Theo dõi một trận đấu có Baggio như đang xem một bức tranh động vậy, mềm mại và vẫn đầy ắp lửa nhiệt huyết. Anh như khơi dậy lên trong tâm hồn mọi người một vẻ đẹp thực thụ và vẹn nguyên nhất của bóng đá.

    Những chiến thắng của Juve khi đó luôn được thắp sáng nhờ niềm cảm hứng mang tên Baggio. Với 78 lần lập công trong 141 lần khoác áo Juve, Baggio đã làm nổ tung cầu trường với những bàn thắng đẹp mê hồn. Lịch sử đáng tự hào của lão bà Turin chưa bao giờ thiếu đi những tiền đạo nổi danh. Những Bettega, P.Rossi, Del Piero, Trezeguet... sẽ mãi được tung hô như những người hùng trước khung thành, những sát thủ thực sự của đội bóng. Có lẽ Roby cũng vậy, nhưng không chỉ có thế và sẽ theo một cách đặc biệt hơn. Bởi anh là duy nhất!

    Tháng 3/94, trong cuộc đối đầu giữa Juve với Fio, một cuộc đổi ngôi giữa hai vì sao lớn: Baggio và Del Piero đã diễn ra. Trận đấu ấy, Roby bị chấn thương nên Alex được đá chính. Rồi Alex lập hattrick, như báo hiệu sự ra đời của một ngôi sao mới và cũng là khép lại một quá khứ vinh quang của Roby với Juve. Anh ra đi không lâu sau đó, nhường chỗ cho Del Piero, trong cuộc chuyển nhượng đậm tính liên minh chính trị giữa Juve và Milan. Anh rời Juve để đến Milan, để lại quãng đời tươi đẹp nhất của mình ở lại Delle Alphi.



    Với chiếc cúp C3 giành được cùng Bà đầm già và cú đúp QBV Châu Âu & TG năm 1993, Roby dường như đã có tất cả. Anh không có gì phải luyến tiếc cả. Nhưng với nhiều CĐV của Juventus, sự ra đi của anh đã để lại chút gì đó hụt hẫng và trống trải vô cùng. Họ nhớ những bàn thắng huyền ảo của anh, những giây phút kì diệu mà anh đã tạo nên, nhớ da diết đôi mắt ưu tư phảng phất nét trắc ẩn.

    Với Azzurra, Roby lưu giữ trong tâm hồn mình 2 mảng màu trong cùng một sắc áo Thiên thanh vĩnh cửu: khi được tô đậm sáng chói, lúc lại hoen ố niềm đau. Italia 90 thất bại nhưng Roby kể từ đó đã trở thành biểu tượng tài hoa của nước Ý. 4 năm sau là một World Cup 94 sôi động trên đất Mỹ và một Baggio bùng nổ trên thảm cỏ xanh thế giới.

    Anh là ngôi sao lớn đã dẫn dắt Italia vào tới trận chung kết với Brazil. 20 phút của trận đấu trôi qua không có bàn thắng. Trọng tài tung đồng xu để đá những quả penalty định mệnh. Baggio, dĩ nhiên có tên trong danh sách những cầu thủ đá luân lưu, bước tới trước khung thành, khuôn mặt bình thản, anh tung cú sút... Trái bóng đập trúng xà ngang và bay lên trời. Italia thua cuộc. Họ mất chiếc cúp VĐTG lần thứ 3 trong sự ngỡ ngàng và những giọt nước mắt tiếc nuối của vô vàn người Ý.


    Và rồi con đường đến với Azzurra càng ngày càng hẹp lại với Baggio. Ngoại trừ France 98 được góp mặt do Italy thiếu vắng lực lượng, còn lại từ Euro 96, Euro 2000 đến WC 2002, trong những giải đấu lớn ấy, đều không hề in dấu chân anh. Người ta có cảm tưởng như thần may mắn đã không mỉm cười với Roby nữa.

    Riêng Roby, dù cuộc đời có thế nào thì anh vẫn luôn là anh, luôn là một Baggio can đảm và mạnh mẽ đã đứng lên sau tấn bi kịch WC94, một Baggio luôn nỗ lực đến phi thường với ước mơ được khoác lại chiếc áo Thiên thanh... Một Baggio chưa bao giờ oán trách định mệnh, cái định mệnh đau thương đã bao lần cướp đi những nụ cười hạnh phúc trên đôi môi anh. Người ta có thể tức giận với anh, có thể không tha thứ cho những-lỗi lầm-không-phải-là-của-anh, có thể phụ bạc anh nhưng không một ai và chẳng điều gì có thể đánh mất niềm tin nơi anh cả.

    Và vào ngày 28/4/04, Roby đã hoàn thành được ước nguyện của mình, anh chơi trận cuối cùng cho Azzurra, lần cuối cùng khoác lên mình chiếc áo số 10, là lần sau cuối những NHM được ngắm nhìn anh trong sắc áo Thiên thanh quen thuộc.




    Ngày 16/5/04 tại thánh địa San Siro, Milano. Roby đeo băng đội trưởng Brescia chơi trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp của mình, trận đấu gặp lại AC Milan - đội bóng mà anh đã từng 2 năm gắn bó với 2 scudetto đáng nhớ. Thiên thần tóc đuôi ngựa chia tay bóng đá, chia tay chúng ta, chia tay thảm cỏ xanh nước Y từ giây phút ấy.

    Khi Roby giơ cách tay vẫy chào mọi người, khi nụ cười ấm áp lại nở trên đôi môi anh, khi ngắm nhìn những bước chạy cuối cùng đi vào đường hầm, đã có những giọt nước mắt lặng lẽ rơi xuống nơi khoé mắt những tifosi yêu mến anh, đã có những tiếng nấc nghẹn ngào dâng lên vì tiếc nuối.


    Người ta sẽ luôn nhớ về anh, con người luôn chơi bóng một cách cống hiến và say mê nhất, ở bất cứ nơi đâu anh đặt chân tới. Cho dù đó là những đội bóng lớn Juve, Milan, Inter hay chỉ là những CLB tỉnh lẻ như Bologna, Brescia. Yêu hết mình và luôn cho đi những gì từ sâu thẳm con tim, với Roby, đó là lẽ sống!




    Chủ đề tương tự:
    Lần sửa bài viết gần nhất bởi MA_BU : 23-12-2008 vào lúc 03:10 PM

  2. #2
    Ngày tham gia
    03 Dec 2007
    Đến từ
    Tp Hб»“ ChГ­ Minh & An Giang
    Số bài viết
    29
    Một trong những huyền thoại của bóng đá Ý và thế giới. Tui cũg hâm mộ Baggio lém


  3. #3
    Ngày tham gia
    18 Feb 2008
    Số bài viết
    175
    Tài năng to lớn của bóng đá Italy : Gianni Rivera

    Gianni Rivera sinh ngày 18/8/1943, bố là công nhân đường sắt tại Alessandria, thành phố 90.000 dân nằm dọc hai bờ con sông Tanaro, miền đông Piemonte, cách Milan khoảng 45 phút xe chạy. Thành phố cũng nằm ở phía đông Turin và phía bắc Genoa với khoảng cách tương tự.


    Chính vị trí địa lý như vậy đã khiến cho các đội bóng ở Alessandria gặp khó khăn về mặt nhân sự. Vì bất cứ một cầu thủ nào cũng có suy nghĩ là tại sao lại phải thi đấu ở một câu lạc bộ hạng 2, thậm chí hạng 3 tại Alessandria, trong khi hoàn toàn có thể tìm vận may ở những câu lạc bộ hạng nhất như Milan, Inter, Juventus, Torino, Genoa, Samdoria hay thậm chí Piacenza?
    Tuy nhiên, vào thời niên thiếu của Rivera thì câu lạc bộ bóng đá Alessandria - được thành lập từ năm 1912 - vẫn còn thi đấu ở giải hạng nhất của Ý. Năm Rivera lên 10 tuổi, cậu được nhận vào trường đào tạo bóng đá của câu lạc bộ Alessandria. Rivera thăng tiến rất nhanh trong các đội trẻ của câu lạc bộ và rồi chính tài năng bóng đá phát lộ quá sớm đã khiến cho Rivera là một cậu bé không có tuổi thơ. Đơn giản bởi vì ngày 2.6.1959, Gianni Rivera đã lần đầu tiên có mặt trong đội hình chính thức của câu lạc bộ Alessandria thi đấu với Internazionale (tức Inter Milan) ở Serie A. Khi ấy, Gianni Rivera mới 15 tuổi 9 tháng 15 ngày!

    Rivera mới chơi cho câu lạc bộ Alessandria một mùa bóng với 26 trận và ghi được 6 bàn thắng thì tài năng thiên bẩm của cậu-bé-cầu-thủ đã ngay lập tức thu hút sự chú ý của các câu lạc bộ lớn và đã diễn ra cuộc đua âm thầm nhằm giành giật chữ ký của Rivera.



    Lẽ ra Rivera đã thuộc về câu lạc bộ sọc đen trắng - Bianconeri-Juventus ở Turin. Trong một giải thi đấu dành cho các đội bóng trẻ tổ chức ở Turin, các nhà tuyển trạch của Juventus đã sớm nhận thấy tài năng của Rivera và tiến hành đàm phán nhằm đưa chàng cầu thủ trẻ măng về Juventus. Nhưng Juve đã phạm phải một sai lầm lớn: nhìn thân hình mảnh khảnh của Rivera, họ lo ngại cậu không đủ thể lực để tham gia những trận đấu khốc liệt ở Serie A. Bởi thế, đại diện của Juventus đã đưa ra cái giá mua cầu thủ trẻ Rivera là 2.500 bảng Anh!

    Huấn luyện viên của câu lạc bộ Alessandria, khi ấy là Franco Pedroni, đã giận tái người khi nghe Juventus đưa ra một cái giá "xúc phạm" đến như thế. Thế là Franco Pedroni nói với người em rể của mình để người này tiếp xúc với một trong số những người quản lý câu lạc bộ AC Milan khi ấy là ông Giuseppe Viani. "Này, ở chỗ chúng tôi có một thần đồng đấy" - người em rể của Franco Pedroni nói với Giuseppe Viani. Sau khi xem Rivera thi đấu trên sân, Viani nói với những người của câu lạc bộ Alessandria: "Tuyệt đối đừng nói với ai chuyện đàm phán này nhé! Tôi ngưỡng mộ anh chàng này đấy. Anh ta sẽ là một nhà vô địch".

    Chính Giuseppe Viani là người đầu tiên đã gọi Rivera là Bambino d"Oro - Cậu bé Vàng - biệt danh sẽ đi theo suốt cuộc đời cầu thủ của Rivera. Rivera được mời tới sân của AC Milan chơi thử trong một trận giao hữu tại khu huấn luyện của đội bóng cùng với những ngôi sao lừng lẫy như Liedholm và Schiaffino. Sau trận đấu, hai cầu thủ này chạy tới chỗ huấn luyện viên của AC Milan và kêu to: "Mua anh ta ngay đi!". Hợp đồng chuyển nhượng trị giá tới 65.000 bảng - một cái giá kinh khủng vào thời ấy đối với một cầu thủ hãy còn ở tuổi thiếu niên - đã được ký giữa AC Milan với Alessandria, theo đó hai câu lạc bộ sẽ là "đồng sở hữu" chú nhóc 15 tuổi. Gần ba năm sau, AC Milan mới chính thức ký hợp đồng với Rivera, cùng lúc với việc mua về một cầu thủ tài năng người Anh là Jimmy Greaves. Chơi được có nửa mùa bóng, Greaves bỏ về Anh vì... nhớ nhà! Thế là từ năm 1960, Gianni Rivera chính thức chơi trong đội hình chính của AC Milan, câu lạc bộ mà anh sẽ chơi trong suốt quãng đời cầu thủ của mình.



    Sau thảm bại tại World Cup 1966, huấn luyện viên Edmondo Fabbri bị sa thải, thay thế là huấn luyện viên lão luyện Ferruccio Valcareggi. Ông Valcareggi đã tập hợp được trong đội tuyển Ý lúc bấy giờ một lứa cầu thủ trẻ đầy tài năng như thủ môn Dino Zoff, hậu vệ Giacinto Facchetti, các tiền đạo như Luigi Riva, Roberto Boninsegna; ở tuyến tiền vệ có hai gương mặt sáng giá nhất của bóng đá Ý thời bấy giờ, một người tất nhiên là Gianni Rivera, còn người kia là Alessandro Mazzola, thường gọi là Sandro Mazzola! Đó là một cái tên có rất nhiều duyên nợ với Rivera trong đội hình của Squadra Azzurra.

    Khoác áo số 10, Sandro Mazzola chơi cho đội bóng áo sọc xanh-đen Nerazzurri-Inter Milan - cừu địch cùng thành phố của AC Milan. Không nghi ngờ gì nữa, Sandro Mazzola cũng là một trong số những tiền vệ tiến công xuất chúng nhất trong cùng thời kỳ với Rivera và không phải là không có lý khi nhiều người cho rằng cuộc đối đầu dai dẳng giữa AC Milan với Inter Milan trong những năm 60 thực chất chính là cuộc so đọ tài năng giữa Gianni Rivera với Sandro Mazzola.
    Điều oái oăm chính là ở chỗ khi được gọi vào đội tuyển quốc gia, do chơi cùng ở một vị trí như nhau trong câu lạc bộ nên cả hai lại cạnh tranh quyết liệt vị trí tiền vệ tổ chức tấn công. Ông huấn luyện viên Ferruccio Valcareggi cho rằng hai người không thể cùng một lúc chơi trong đội tuyển nên cuối cùng đã đi tới một giải pháp mà ông thường áp dụng trong đội tuyển Ý thời bấy giờ, đó là "staffetta", có nghĩa là trong một trận đấu, mỗi người chơi một hiệp 45 phút!

    Tuy nhiên, do đoạt được Quả bóng vàng năm 1969 cùng với phong độ đang chói sáng trong đội hình AC Milan thời gian đó nên không có gì đáng ngạc nhiên khi Rivera có mặt trong đội thiên thanh tham dự Giải vô địch thế giới năm sau đó ở Mexico. Sandro Mazzola cũng có mặt; cuộc cạnh tranh vẫn tiếp diễn và huấn luyện viên Ferruccio Valcareggi tiếp tục thực hiện chính sách luân phiên thi đấu giữa hai cầu thủ tài năng này. Để dung hòa, ông Valcareggi không trao áo số 10 trong đội tuyển cho Rivera hay Mazzola mà lại trao cho tiền vệ Mario Bertini; còn Rivera mang áo số 14, Mazzola mang số 15!

    Mùa hè năm 1979, ở tuổi 36, Rivera chính thức từ giã sân cỏ, để lại sự tiếc nuối cho các cổ động viên của Rossonerri. Đối với họ, Rivera không phải là một phần của AC Milan - anh chính là AC Milan!


    Rời khỏi cuộc đời bóng đá nhưng những phẩm chất có được trong những năm tháng trên sân cỏ như sự tinh tế, hào hoa và điềm tĩnh vẫn còn tiếp tục giúp Rivera rất nhiều trong một chặng đường mới của cuộc đời là hoạt động chính trị. Rất hiếm cầu thủ có được một sự tiếp nối thành đạt như Rivera. Chàng cầu thủ đẹp trai lịch lãm như một diễn viên năm nào được bầu làm Phó chủ tịch của AC Milan cho tới năm 1986 khi Berlusconi - người sau này làm Thủ tướng Ý, tiếp quản đội bóng. Sau đó, Rivera trở thành một nhà hoạt động xã hội, một nghị sĩ quốc hội, rồi... Thứ trưởng Bộ Quốc phòng!

    The man who practices virtue never has intention to injure another
    And if the harmony can be ontained with retreat, he withdraws

  4. #4
    Ngày tham gia
    26 Jun 2007
    Số bài viết
    145
    Maldini, Baresi đâu? Thời Rivera được mấy người xem?

    Vô tình tôi gặp được em
    Vô tình tôi đã yêu em mất rồi
    Vô tình nối tiếp vô tình
    Sao em lại nỡ vô tình với tôi.
    :B84:

  5. #5
    Ngày tham gia
    08 Sep 2013
    Số bài viết
    3

    Từ: Các huyền thoại của bóng đá Ý

    các cầu thủ ý nhìn lãng mãn giống các tài tử cine nhỉ, không biết bao giờ giải seria sẽ trờ lại là giải đấu số 1 châu âu


  6. #6
    Ngày tham gia
    21 Jan 2014
    Số bài viết
    1

    Từ: Các huyền thoại của bóng đá Ý

    Thích Gianni Rivera


  7. #7
    Ngày tham gia
    22 Mar 2014
    Số bài viết
    61

    Từ: Các huyền thoại của bóng đá Ý

    Canavaro, Vialli, Zola, Maldini, Zoff nữa không thấy up nữa nhỉ :huh:


  8. #8
    Ngày tham gia
    28 Apr 2019
    Số bài viết
    5

    Từ: Các huyền thoại của bóng đá Ý

    1 thời nước ý toàn tiền đạo tài, nhưng bây giờ những tiền đạo toàn chân gỗ


  9. #9
    Ngày tham gia
    22 Apr 2019
    Số bài viết
    7

    Từ: Các huyền thoại của bóng đá Ý

    thiếu nhiều quá man


  10. #10
    Ngày tham gia
    16 Dec 2019
    Số bài viết
    3

    Từ: Các huyền thoại của bóng đá Ý

    Với mình F. Totti là tất cả. Các anh đẹp trai khác em không thích bằng


Qui định gửi bài

  • Bạn không thể lập chủ đề mới
  • Bạn không thể gửi bài phản hồi
  • Bạn không thể gửi file đính kèm
  • Bạn không thể sửa bài viết
  •