Với rất nhiều người Brazil, đội hình Brazil vĩ đại nhất ko vô địch WC chính là đội hình năm 1982 với sự dẫn dắt của :

PELE TRẮNG ZICO



Hồ sơ :


Tên đầy đủ: Arthur Antunes Coimbra

Sinh ngày 3/3/1953 tại Rio de Janeiro, Brazil

Các CLB: Flamengo (1971-83), Udinese (1983-85), Flamengo (1985-89), Sumitomo Metals (1991-92), Kashima Antlers (1992-94)

Chơi cho ĐTQG Brazil (1976-86) 72 trận/ghi 52 bàn


Thành tích:


1 Cúp Liên lục địa (1981);
1 Cúp Libertadores (1981);
4 lần VĐ Brazil (1980, 1982, 1983, 1987);
7 lần Vô địch bang Rio (1972, 1974, 1978, 1979, 1980, 1981, 1986);
1 lần VĐ Nhật Bản (1993);
Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới 1981 do các báo và tạp chí Guerin Esportivo (Italia), El Balon (TBN), El Mundo (Venezuela) và Placar (Brazil) bình chọn;
Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới năm 1983 do tạp chí World Soccer (Anh) bình chọn;
3 lần Cầu thủ xuất sắc nhất Nam Mỹ (1977, 1981, 1982) do báo El Mundo (Venezuela) bình chọn;
2 lần Cầu thủ xuất sắc nhất Brazil (1974 và 1982) do tạp chí Placar (Brazil) bình chọn;
2 lần trở thành kỷ lục gia về số bàn thắng ghi trong một mùa giải với tư cách một cầu thủ Flamengo (49 bàn năm 1974, 56 bàn năm 1976);
2 lần Vua phá lưới giải VĐ Brazil (1980 và 1982 đều với 21 bàn);
5 lần Vua phá lưới giải VĐ bang Rio de Janeiro (1975, 1977, 1979, 1980, 1982);
Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất Brazil năm 1982 (59 bàn);
Vua phá lưới Cup Libertadores 1981 (11 bàn);
Vua phá lưới giải VĐTG bóng đá bãi biển 1995 (12 bàn);
Cầu thủ xuất sắc nhất giải VĐTG bóng đá bãi biển (1995);
2 lần VĐTG bóng đá bãi biển (1995, 1996);
2 lần VĐ Nam Mỹ bóng đá bãi biển (1995, 1996);
Cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất lịch sử CLB Flamengo (508 bàn);

Thông tin :

Chẳng mấy ai nhớ đến cái tên thật Arthur Antunes Coimbra của ngôi sao đó. Đơn giản là vì ông nổi tiếng hơn với tên gọi ngắn gọn Zico và biệt danh "Pele trắng". Với Pele, Zico là cầu thủ xuất sắc nhất kể từ sau khi ông treo giày: "Qua nhiều năm, chỉ có một cầu thủ tiến sát tôi là Zico".

Zico là con út của một gia đình trung lưu có tới 5 người con trai chơi bóng ở Quintino, ngoại ô Rio de Janeiro. Giống như nhiều cầu thủ Brazil khác, anh dành phần lớn ước mơ tuổi trẻ là chơi bóng đá chuyên nghiệp. Trong tuổi thơ của mình, quan hệ của Zico với quả bóng cũng rất xúc động như nhiều đứa trẻ mê bóng đá. Zico thường ngủ với quả bóng đặt cạnh gối, đối xử với nó rất âu yếm. Có khi đó cũng chẳng phải là một quả bóng đúng nghĩa mà được làm từ những chiếc tất lồng vào nhau. Nhưng có một điều chắc chắn là tâm trí của Zico luôn hướng về nó. Và như để đền đáp tình yêu đó, quả bóng không bao giờ phản lại anh. Nó luôn dính vào chân Zico và tuân theo mong muốn của anh trên đường bay tới khung thành.

Năm 1967, khi 14 tuổi, Zico tới thử việc ở America, nơi các anh trai Antunes và Edu đang chơi bóng. Khi đó, Zico cũng đang được các đội khác như Inhare và Maraviha chèo kéo làm cầu thủ của họ để chơi ở các giải địa phương. Nhưng định mệnh đã đưa Zico tới với Flamengo. Germano Jose Grilo - nhà sáng lập của Juventude gọi cho người bạn là phóng viên đài phát thanh Celso Garcia tới ngay xem Zico chơi tại một giải bóng đá tổ chức ở CLB Quần vợt River.

Những gì Zico thể hiện đã thuyết phục nhà báo này, người sau này đã trở thành bạn vong niên. Celso đề nghị bố của Zico nên đưa anh tới thử việc ở Flamengo thì tốt hơn. Là một CĐV của Flamengo, bố Zico hưởng ứng ngay. Người anh Antunes đã kịch liệt phản đối còn người anh khác Edu muốn Zico chơi cho America. Nhưng Zico đã nghe theo sự mách bảo của trái tim và muốn tới Gavea (một trong hai sân nhà của Flamengo cùng Maracana). Với tư cách một fan có ảnh hưởng lớn của Flamengo, Celso đã thu xếp để CLB này chịu thử tài và cuối cùng là quyết định thu nhận Zico.

Năm 1971, Zico chơi cho đội 1 lần đầu tiên và đã ghi bàn trong trận hòa 1-1 với Bahia ở SVĐ Fonte Nova. Tuy nhiên, để có cơ hội dự Olympic năm sau đó, ông đã chấp nhận ở lại đội trẻ. Thế nhưng rồi Zico vẫn không được gọi vào đội tuyển dự Olympic 1972. Thất vọng sâu sắc, Zico thậm chí đã nghĩ tới chuyện chia tay bóng đá. Nhưng chính sự động viên và ủng hộ của gia đình đã giúp ông quyết định tiếp tục con đường đã chọn. Ngay cả khi chưa hết buồn chán, Zico vẫn kịp chinh phục ngôi VĐ bang Rio cho Flamengo năm đó, cả ở cấp độ đội trẻ và đội chuyên nghiệp.

Năm 1974, Zico chơi mùa bóng đầu tiên với tư cách một cầu thủ chính thức thường xuyên và cuối cùng đã giành ngôi vô địch bang Rio. Anh thực sự trở thành số 10 mới của đội bóng Rubro-Negros (đỏ tươi-đen, màu áo truyền thống), cho cả thế giới thấy tài năng to lớn của anh, một tài năng thực sự ở đẳng cấp cao nhất. Trên sân cỏ, Zico ghi những bàn thắng theo đủ mọi cách mà chúng ta có thể tưởng tượng được. Ông còn là người chuyền những đường bóng quyết định, một nhà tổ chức và còn nổi tiếng về khả năng đọc trận đấu. Ngoài ra, đó là một siêu cầu thủ chơi tốt cả hai chân và chuyên gia đá phạt. Flamengo được hưởng tất cả những thứ đó khi Zico ở vào thời kỳ đỉnh cao phong độ.


Chẳng có gì phải nghi ngờ rằng Maracana là thánh địa của Zico. Ở đó, ông đã ghi những bàn thắng tuyệt vời và cũng phá một số kỷ lục của SVĐ này. Cũng với chiếc áo số 10 một thời thuộc về Dida, Zico đã vượt qua thành tích của thần tượng. Ông ghi được tới 333 bàn cho Flamengo ở “Ngôi đền bóng đá” này, kỷ lục mà chưa cầu thủ nào phá được. Zico cũng ghi 6 bàn trong một trận đấu gặp Goytacaz tại giải VĐ bang Rio năm 1979 (thắng 7-1), bằng với thành tích của người từng một thời khơi lên khát vọng cầu thủ trong anh.

Các fan Flamengo không phải mất nhiều thời gian để công nhận Zico là một ngôi sao nhưng sự sùng bái thần tượng đó đã thực sự trở thành bất tử khi thế hệ vàng của đội chinh phục cả Nam Mỹ và thế giới. Zico là thủ lĩnh đội bóng Flamengo huyền thoại những năm 1980 được tạo nên bởi những cầu thủ tuyệt vời như Raul, Junior, Rondinelli, Lico, Tita, Andrade, Adilio,... Họ đã giành hết danh hiệu này tới danh hiệu khác. Vinh quang bất tận khởi đầu với bàn thắng của Rondinelli tại trận CK giải VĐ bang 1978. Sau đó, đội bóng đã lần lượt chinh phục các danh hiệu VĐQG lần đầu tiên của họ (1980), Cúp Libertadores (1981), Cúp Liên lục địa (1981). Tiếp đó là hai chức VĐQG nữa (1982-83).


Trong các năm 1980 và 1982, Zico là vua phá lưới giải VĐ Brazil (đều với 21 bàn). Thế nhưng, 1981 mới thực sự là năm tuyệt vời nhất với Zico xét về phương diện cá nhân. Anh giành được chiếc cúp Libertadores duy nhất trong lịch sử CLB và là vua phá lưới của giải. Tiếp đó là chiếc Cúp Liên lục địa duy nhất trong lịch sử CLB. Zico còn được bầu là Cầu thủ xuất sắc nhất Nam Mỹ và Cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.

Năm 1979, Zico bắt đầu nổi tiếng khắp thế giới khi tham gia trận đấu biểu diễn trong thành phần đội tuyển thế giới của FIFA. Ngay sau đó, một chuyến đi của Flamengo tới Italia đã khiến Zico được ban lãnh đạo Udinese Calcio. Nhưng cũng phải chờ tới năm 1983 và khá nhiều kỳ công, họ mới mang được Zico về với bản hợp đồng chuyển nhượng thời hạn 2 năm trị giá 4 triệu USD.


Dù quyết định ra đi này khiến nhiều người hâm mộ quê nhà buồn lòng, Zico cũng được an ủi bởi đã chinh phục được những con tim Udine xa xôi khi giúp đội bóng của họ lọt vào tốp những đội bóng xuất sắc nhất ở đất nước hình chiếc ủng khi đó. Sự xuất hiện của ngôi sao Brazil lẫy lừng thế giới đã trở thành một sự kiện đặc biệt ở nơi đây. Zico đã mang hương vị tinh túy nhất của bóng đá Brazil tới đây, đã khuấy động bầu không khí bóng đá trong những người hâm mộ Udinese đã quen với việc thể hiện tình yêu bóng đá có phần kín đáo, một phần bởi thói quen "biết thân, biết phận" của các CĐV một CLB nhỏ.

Tại Italia, Zico có cơ hội đụng đầu với những siêu sao khác như Michel Platini của Juventus và Diego Maradona của Napoli. Ở mùa giải VĐ Italia 1983-84, Zico ghi 19 bàn, chỉ ít hơn chân sút số một Platini đúng một bàn dù phải chơi ít hơn danh thủ Pháp này tới 6 trận. Nỗ lực nối tiếp nỗ lực. 56 bàn trong 79 trận của Zico là những đóng góp cụ thể nhất mà người Italia không thể quên. Nhưng xét cho cùng thì siêu sao Brazil này vẫn không thành công ở Udinese bởi không giành được một danh hiệu nào. CLB này quá yếu, quá nhỏ và mình ông không đủ để đưa họ tới bến vinh quang.

Ngoài sân cỏ, tâm trí của Zico luôn hướng về cái nôi Flamengo. Vì thế, khi hết hạn hợp đồng với Udinese, ông đã trở về Brazil mùa Hè 1985 để chơi cho CLB cũ theo bản hợp đồng được tài trợ bởi một nhóm công ty. Các CĐV bồn chồn chờ đợi một sự trở lại vinh quang của "Pele trắng". Nhưng ngày 29/8 năm đó, Zico dính một chấn thương đầu gối nghiêm trọng sau một cú tắc bạo lực của hậu vệ Marcio Nunes của Bangu. Phải trải qua bốn ca phẫu thuật trong suốt cả năm sau đó, Zico mới cứu vãn được sự nghiệp thi đấu. Tình hình trở lại tốt đẹp khi Zico hồi phục chấn thương và dẫn dắt Flamengo tới danh hiệu VĐ Brazil lần thứ tư trong lịch sử và cũng là của ông cùng CLB này vào năm 1987. Tháng 12/1989, Zico giã từ sân cỏ. Ông chơi trận chính thức cuối cùng cho Flamengo trong một trận ở giải VĐQG Brazil gặp Fluminense. Với 731 trận và 508 bàn ghi cho Flamengo, Zico là cầu thủ có số trận chơi cho CLB này nhiều thứ hai trong lịch sử và là cầu thủ ghi bàn xuất sắc nhất lịch sử CLB.

Zico có cơ hội chứng tỏ ở đấu trường lớn nhất thế giới khi cùng đội tuyển Brazil dự liên tiếp ba VCK World Cup 1978, 1982 và 1986. Thế nhưng đội bóng có Zico trong thành phần luôn được coi là mạnh nhất thế giới (thậm chí Brazil dự Espana 1982 còn được coi là một trong những đội hình mạnh nhất lịch sử giống như đội đã giành chức VĐTG 1970) lại không một lần vào nổi bán kết giải thế giới. Zico là một trong số những cầu thủ vĩ đại nhất trong lịch sử bóng đá chưa từng giành World Cup. Một vinh dự chẳng vui gì.


World Cup đầu tiên của Zico chìm lấp trong cảm giác bị hành hạ bởi chấn thương giãn cơ chưa lành và không hài lòng về đấu pháp thiên về phòng ngự của HLV Claudio Coutinho. Nhưng nhiều người hâm mộ đội bóng vàng-xanh tin rằng dù có cố gắng thế nào đi nữa, Brazil cũng sẽ chẳng thể vượt qua được Argentina trên đất của họ khi mà sức mạnh của đội chủ nhà còn được bồi đắp bởi sự hỗ trợ của các nhân tố ngoài chuyên môn.

Mặc dù Zico từng có World Cup đầu tiên không ấn tượng ở Argentina năm 1978, những màn trình diễn trong màu áo CLB trước Espana 82 đã khiến người hâm mộ khắp thế giới mong chờ rất nhiều ở ông khi tới TBN. Zico vào World Cup này với tư cách một trong những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới và được ngưỡng mộ nhất. Tới TBN năm đó, Brazil trở lại với sở trường của họ là phong cách tấn công đẹp mắt quen thuộc vốn rất phù hợp với khả năng tăng tốc, những pha xử lý kỹ thuật và những cú sút bất ngờ của Zico. Họ vào giải với vị thế ứng viên sáng giá nhất cho ngôi VĐ bởi sở hữu nhiều cầu thủ hàng đầu thế giới như Zico, Falcao, Socrates,... Nhưng việc đội hình mạnh nhất kể từ năm 1970 lại thiếu một trung phong tương xứng - Careca chấn thương còn Serginho không xuất sắc như các đồng đội tuyến dưới - khiến họ phải trả giá rất lớn.


Những người Argentina đã bị “trượt chân” trước đối thủ Italia nhiều tiểu xảo hơn và sau đó chính thức bị loại khỏi giải bởi Brazil trong một trận thua 1-3 đầy bạo lực mà chính thiên tài Maradona đã bị nhận thẻ đỏ vì nổi cáu đạp Batista. Thế nhưng rồi tới lượt Zico và các đồng đội, ứng viên sáng giá nhất của ngôi vô địch, cũng chung số phận như Argentina. Trong một trận đấu kinh điển của lịch sử World Cup, Brazil bị một đội Italia tỉnh táo và không ngại “chơi bẩn” đánh bại còn thủ lĩnh Zico bị Claudio Gentile phạm lỗi không thương tiếc trong sự nương tay của trọng tài. Tuy nhiên, cũng phải thấy đất nước của những kiệt tác kiến trúc và hội họa đã có được Paolo Rossi thăng hoa rất đúng lúc. Hat-trick của tiền đạo này đã che khuất những bàn thắng tuyệt vời của Socrates và Falcao khi mà tiền đạo Serginho lại vô duyên trong tận dụng những cơ hội bằng vàng.

Bốn năm sau đó, Zico đã ở tuổi 33. Kế hoạch chinh phục World Cup của siêu sao này một lần nữa ra tro bởi chấn thương chưa lành ảnh hưởng tới phong độ. Việc Zico dự World Cup trên đất Mexico thực ra chỉ khẳng định sự dũng cảm và quyết tâm của cầu thủ này trong nỗ lực cuối cùng khi lực đã bất tòng tâm. Zico chơi 3 trận ở World Cup 1986 đều với tư cách cầu thủ dự bị.

Ở trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp thi đấu quốc tế, ông đã bỏ lỡ quả penalty quyết định trong thời gian thi đấu chính thức ở trận tứ kết gặp Pháp của Platini. Định mệnh trớ trêu cho Brazil được hưởng quả penalty đó ngay sau khi HLV Tele Santana cho Zico vào sân. Một quả đá kỹ thuật nhưng bàn thắng thì không có. Trận đấu kết thúc với kết quả hòa dẫn tới việc phải phân định thắng thua ở loạt luân lưu 11m. Zico sau đó đã thực hiện thành công quả đá của mình nhưng các đồng đội Socrates, Julio Cesar lại đá hỏng và Brazil bị loại. Một kết thúc buồn cho một trong những cầu thủ nổi tiếng nhất Brazil trong lịch sử. Zico chia tay ĐTQG sau giải đấu ở cột mốc 72 trận và 52 bàn, thành tích ghi bàn xuất sắc thứ ba sau Pele và Romario.

Sau khoảng một năm đảm nhận cương vị Bộ trưởng Thể thao Brazil, Zico rút lại quyết định treo giày. Tháng 5/1991, cầu thủ đã 38 tuổi này nhận lời mời sang Nhật Bản chơi cho Sumitomo Metal Industries với sứ mệnh độc nhất vô nhị: đóng góp ảnh hưởng của mình cho sự phát triển bóng đá ở Nhật Bản. Zico đã chơi cho Sumitomo đúng mùa bóng cuối cùng trước khi giải VĐQG Nhật Bản cũ bị giải thể và cải tiến thành giải VĐQG chuyên nghiệp của Nhật Bản (J-League). Tại J-League, Zico như trở về với những năm đầu sự nghiệp: những SVĐ trụi cỏ và bóng đá còn đậm chất nghiệp dư.

Nhưng ông đã không mất nhiều thời gian để thể hiện tài năng của mình. Khi giải VĐQG mới được thành lập, Sumitomo được đổi tên thành Kashima Antlers với tương quan có phần lép vế so với các CLB giàu hơn và có đội hình mạnh hơn như Yokohama Marinos và Verdy Kawasaki. Thế nhưng đóng góp của Zico đã giúp Antlers vô địch lượt đi và cuối cùng là kết thúc ở vị trí á quân trong mùa giải đầu tiên đó. Kashima Antlers đã khẳng định được chỗ đứng ở giải đấu của các đội bóng ưu tú nhất Nhật Bản.


Để ghi nhận đóng góp của Zico, ngoài một trận đấu chia tay do Antlers tổ chức, các CĐV Nhật Bản đã tổ chức một lễ hội carnaval tháng 10/1994 để tạm biệt thần tượng. Zico được dựng tượng. Đích thân Nhật Hoàng đã gắn huân chương công trạng cho Zico vì đóng góp cho sự phát triển của bóng đá và hình ảnh đất nước này.