Đã có Zico thì không thể nào thiếu Socrates và Falcao được
Socrates - Nhà hiền triết của samba sân cỏ

Hai kỳ World Cup đáng nhớ
Lịch sử bóng đá Brazil có Pele là vua bóng đá và cả Pele trắng là Zico. Zico từng nói về Socrates: “Đó là một cầu thủ mà tôi luôn ngưỡng mộ. Socrates là mẫu cầu thủ điển hình mà tất cả dân quần đùi áo số Brazil đều nên noi theo. Tôi rất tiếc vì nếu tuyển Brazil do Socrates làm thủ quân đoạt được chức VĐ World Cup 1982, có lẽ bây giờ bóng đá Brazil đã đi theo một con đường khác, đó là con đường của bóng đá nghệ thuật - nơi các nghệ sĩ sân cỏ tìm niềm vui qua trái bóng và những trận đấu đẹp”.
Zico lớn hơn Socrates Brasileiro Sampaio de Souza Vieira de Oliveria (thường được gọi là Socrates) 1 tuổi, vào đội tuyển sớm hơn Socrates nhưng từ giã ĐTQG lại trễ hơn. Họ là 2 danh thủ cùng thời nhưng Socrates là thủ lĩnh đích thực của Selecao, thể hiện qua chiếc băng thủ quân ĐTQG ở 2 *** World Cup 1982 và 1986. Pele nói rằng Socrates là cầu thủ Brazil đáng xem nhất tại Espana 1982.
Ở kỳ World Cup ấy, Brazil có đội hình được sánh ngang với Selecao 1970 (được chọn là đội bóng vĩ đại nhất mọi thời đại) cho dù Brazil 1982 của Socrates không vô địch World Cup. Rất nhiều người hâm mộ xứ sở Samba cho rằng Brazil 1982 là Selecao đáng nhớ nhất kể từ sau Selecao 1970 (tất nhiên trên cả Selecao vô địch World Cup 1994 và 2002). Lý do rất đơn giản: Selecao 1994 và 2002 chơi quá thiên về phòng ngự chứ không thi đấu khoáng đạt, đẹp mắt như Selecao 1982 (hoặc 1986) do Socrates làm thủ quân.
Trong một cuốn sách nổi tiếng về bóng đá Brazil, tác giả Alex Bellos đã viết: “Socrates là cầu thủ Brazil mà tôi nhớ nhất tại 2 kỳ World Cup 1982 và 1986. Socrates là cầu thủ rất đặc biệt dựa theo cách chơi bóng. Anh ấy ung dung, khoan thai, xem bóng đá như thú tiêu khiển chứ không phải nghề kiếm sống hoặc trò sinh tử. Socrates có thể “biến mất” trong hầu hết thời gian của trận đấu rồi bất chợt xuất hiện, định đoạt số phận trận đấu chỉ bằng một cú chạm bóng thiên tài”.
Khi đến Brazil tìm tư liệu cho cuốn sách của mình, Bellos đã tìm gặp bằng được Socrates vì “đó là cầu thủ mà tôi muốn gặp nhất”. Bellos thậm chí đã nhờ Socrates viết phần dẫn nhập (preface) cho quyển sách vào hàng best-seller của mình. Sự trân trọng của Bellos đối với Socrates còn được thể hiện qua một chương được dùng làm phần kết cho cuốn sách kể trên. Xem lại những tư liệu về hình ảnh của Socrates, Bellos bị hút hồn bởi calcanhar (theo ngôn ngữ Brazil là cú đánh gót). Đây là tuyệt chiêu của Socrates. Chính Pele phải thừa nhận: “Socrates làm cú calcanhar tuyệt hơn bất kỳ ai! Socrates xử lý bóng mà không cần quan sát còn giỏi hơn hầu hết cầu thủ bóng đá khác xử lý bóng có quan sát!”.
Cùng với Zico và Falcao, Socrates tạo nên hàng tiền vệ vào loại mạnh nhất trong lịch sử bóng đá tại World Cup 1982. Ở giải này, Socrates trình làng giới mộ điệu bóng đá thế giới ngay ở trận đầu tiên của Brazil (gặp Liên Xô). Khi đội nhà bị dẫn 0-1, Socrates có bóng ở phần sân bên trái, đi bóng vào trung lộ, vượt qua 2 cầu thủ truy cản trước khi tung cú sút sấm sét từ xa làm tung nóc lưới khung thành của Rinat Dassaev lừng danh. Brazil thắng trận này 2-1. Bàn thắng của Socrates lý giải hùng hồn việc bóng đá Brazil luôn được ngưỡng mộ trên toàn thế giới qua mọi thời đại.
Brazil được xem là ứng cử viên số 1 cho chức vô địch ở giải này không chỉ bằng lối chơi quyến rũ, hiệu quả mà còn nhờ những cá nhân thiên tài như Socrates. Mỗi lần Socrates xuất hiện trên sân là khán giả lại có dịp thưởng thức những pha bóng có một không hai của ông. Đến trận đấu kinh điển Brazil – Ý ở giai đoạn 2, Socrates lại ghi 1 bàn thắng để đời khác. Từ pha phát động tấn công nhanh xuất phát bằng cú ném biên bên cánh phải, Socrates âm thầm đột phá vào vùng cấm địa, vượt qua 3 cầu thủ đối phương rồi hạ Dino Zoff ở góc cực hẹp.
Brazil chỉ cần hòa là vào chung kết World Cup nhưng đã thua Ý 2-3, chính xác là thua một mình Paolo Rossi với cú hat-trick siêu đẳng. Đó là kỷ niệm không thể nào quên của Socrates. Từ đó đến nay, ông chỉ xem lại trận đấu ấy đúng một lần. Không phải Socrates không dám đối diện với “thảm kịch” năm xưa. Đối với ông, một trận bóng đá rốt cuộc cũng chỉ là một trận bóng đá, một buổi trình diễn lớn mà mọi người cảm thấy hài lòng là đủ. Socrates là một trong những diễn viên chính trong buổi trình diễn lớn ấy, tuy có chút buồn nhưng ông không quá thất vọng: “Tôi đã đi nhiều nơi và bất kỳ ở đâu người ta cũng nói về Brazil 1982 thay vì đội Ý vô địch kỳ World Cup ấy. Selecao 1982 được xem là đội bóng đúng nghĩa sau cùng trong bóng đá hiện đại. Tôi thật sự hài lòng về nhận xét ấy!”.
Sau thất bại ở World Cup 1982, Brazil do Socrates làm thủ quân hành quân đến Mexico với mong muốn chinh phục chức VĐTG đã “bị đánh mất” trước đó 4 năm. Brazil của Socrates lại cống hiến một trận đấu kinh điển khác cho lịch sử bóng đá thế giới. Ở vòng tứ kết, Brazil gặp Pháp, dẫn trước 1-0 song bị gỡ 1-1. Selecao được hưởng một quả phạt đền. Thông thường Socrates là người thực hiện, song lần ấy ông nhường lại cho Zico. Pele trắng sút hỏng, trận đấu hòa 1-1 sau 120 phút. Đến loạt sút luân lưu, đến lượt Socrates bị Joey Bats chinh phục.
Brazil lại thua trong tức tưởi, nước mắt lại tuôn rơi trên khóe mắt của hàng triệu triệu CĐV Brazil. Thậm chí có người đã nhảy lầu tự vẫn vì không chịu nổi cú sốc này. Với riêng Socrates, ĐTQG thế là quá đủ rồi. Ông chấm dứt khoác áo Selecao với 65 lần được tuyển, ghi 25 bàn trong 7 năm phục vụ quốc gia. Như thế cũng đủ để Pele điền tên Socrates vào danh sách 100 cầu thủ vĩ đại nhất mọi thời đại trong cuộc bầu chọn của FIFA năm 2004.
Chơi bóng bằng khối óc siêu tuyệt
Socrates từ giã ĐTQG không ồn ào như cách ông thường thể hiện khi đến với bóng đá. Socrates không muốn nổi bật trước đám đông nhưng ngoại hình của ông luôn gây chú ý. Cao 1m92, khá ốm, đôi chân nhỏ hơn hẳn so với thân hình, hàng râu quai nón rậm, mái đầu xoăn tít, đôi mắt đen với cái nhìn sâu thẳm dễ khiến người khác bối rối, Socrates không giống một nhà thể thao mà giống một nhà hiền triết hơn. Kỳ thực, Socrates được đặt theo tên nhà hiền triết cổ đại Hy Lạp Socrates (một trong những người sáng lập nền triết học phương Tây).
Trong một nền bóng đá mà hầu hết cầu thủ nổi tiếng đều được gọi theo biệt danh, Socrates lại chẳng cần biệt danh mà dùng ngay tên thật vì bản thân cái tên đó đã là một biệt danh đặc tả đầy đủ tính cách của con người – cầu thủ Socrates. Ngay từ thuở mới khoác áo Botafogo (CLB đầu đời của Socrates, đây là CLB địa phương tại Sao Paulo chứ không phải Botafogo nổi tiếng của bang Rio de Janeiro) vào năm 1974, “nhà hiền triết của bóng đá Brazil” đã tỏ ra khác người.
Ngay lúc còn trẻ, Socrates đã… lười chạy, vì thật ra ông không thể chạy nhiều. Socrates nghiện rượu và thuốc lá nên lấy đâu ra thể lực sung mãn như nhiều ngôi sao Brazil khác. “Nhưng Socrates đích thị là thiên tài”, Wladimir – đồng đội cũ của “nhà hiền triết” tại CLB Corinthians, đã nói như vậy.
Socrates có lẽ là cầu thủ duy nhất luôn… hút thuốc ở những phút giải lao sau hiệp 1 của trận đấu mà không bị HLV nhắc nhở hoặc cấm đoán. Ở Corinthians Socrates luôn giữ thói quen này, ở Selecao ông biết tiết chế hơn. Socrates nói về chuyện này theo phong thái của một triết gia: “Tôi biết hút thuốc có hại nhưng biết làm sao được, đó là cách sống và lối suy nghĩ của tôi. Có những điều thật khó giải thích nhưng vẫn có thể hiểu được”.
Socrates lấy sự thông minh và một kho tàng những kỹ năng điều khiển quả bóng bù đắp cho khiếm khuyết về mặt thể lực và sức bền. Ông ít chạy nhưng luôn tham gia vào trận đấu theo cách riêng của mình: quan sát nhanh, chuyền bóng chuẩn xác, điều khiển lối chơi của đội bóng và hành động của đồng đội qua ánh mắt và cử chỉ của mình. Nhìn Socrates, các tuyển thủ Brazil khác hiểu ông muốn gì. Họ luôn cảm nhận sự hiện diện của Socrates cho dù ông không cần chạm bóng hoặc xuất hiện ở những điểm nóng của trận đấu.
Socrates hiếm khi biểu lộ cảm xúc thái quá trên sân ngay cả khi ghi bàn quan trọng. Ông không ăn mừng bàn thắng theo kiểu Brazil (chẳng hạn Falcao chạy vòng vòng quanh sân, mắt sáng rực, hai tay dang rộng như ôm cả thế giới vào lòng) mà chỉ nắm chặt hai tay, giơ lên cao, thế thôi! Khi một nhà báo tò mò hỏi về cách ăn mừng bàn thắng kiểu phản-Brazil của Socrates, ông trả lời ngắn gọn: “Tôi không muốn giải thích nhiều!”.
Socrates là như vậy. Ông không thích nói thì đố ai bắt ông nói. Socrates không thích làm thì không ai có thể ép buộc ông làm theo ý họ. Ngược lại, một khi Socrates đã hành động thì không ai ngăn được. Có lần Socrates bất ngờ quyết định tổ chức một buổi tiệc cho các đồng đội tại Corinthians ngay trước một trận chung kết. Rất nhiều cầu thủ ngạc nhiên vì lẽ ra đấy là thời điểm họ cần nghỉ ngơi, dưỡng sức chuẩn bị cho trận đánh lớn. Rốt cuộc tất cả cùng dự tiệc và Corinthians vẫn chiến thắng. Thế là Socrates tự thưởng cho mình loại bia hảo hạng của Ribeirao Preto – thành phố quê hương và là một trong những thành phố giàu có, phồn vinh nhất tại bang Sao Paulo.
Socrates ký hợp đồng đầu đời với Botafogo thuộc Ribeirao Preto. Ở năm thứ 4 chơi cho CLB này, Socrates đoạt giải Vua phá lưới bang Sao Paulo. Lẽ đương nhiên Botafogo không thể giữ chân Socrates. Trong 4 đội bóng lớn của bang Sao Paulo, Socrates chọn Corinthians, CLB có lực lượng CĐV đa phần là dân lao động tại Brazil. Đó là sự lựa chọn khôn ngoan dù lẽ ra Socrates có thể khoác áo Santos (đội bóng ông hâm mộ từ thuở nhỏ).
Socrates nhanh chóng trở thành linh hồn của Corinthians. Ông giúp Corinthians đoạt 3 chức vô địch bang Sao Paulo và được xem là cầu thủ vĩ đại nhất qua mọi thời đại của CLB này, hơn cả Rivelino. Nếu như Rivelino chỉ được biết đến qua tài năng bóng đá thì Socrates còn có nhiều điều đáng nói khác bên ngoài sân cỏ. Ông là cầu thủ hiếm hoi vừa đá bóng vừa đi học ngành dược. Ông đã có bằng y của trường Faculdade de Medicina de Ribeirao Preto và hiện giảng dạy môn y học thể thao tại quê nhà Ribeirao Preto.
Khi không đi học, Socrates đá bóng và ngược lại. Cả 2 công việc này ảnh hưởng lẫn nhau. Do bận chuyện đèn sách nên Socrates không thể tập luyện nhiều như các cầu thủ khác. Tuy nhiên, ông vẫn có cách giải quyết: phong cách chơi bóng của Socrates không giống các nhà thể thao, tức không phải lúc nào cũng hùng hục bung hết sức. Socrates cần dự trữ năng lượng cho chuyện học hành nên cần sáng tạo hơn trong lối chơi: “Ban đầu, tôi rất thiếu kiên nhẫn nhưng những khó khăn không làm tôi nản chí mà trái lại kích thích tôi quyết tâm thành công trong sự nghiệp bóng đá. Tôi luôn tìm tòi cách chơi bóng không phải chạy nhiều mà vẫn hiệu quả. Lối chơi của tôi dựa vào nhu cầu của đội bóng về mặt đầu óc hơn là về chân tay!”.
Socrates là bác sĩ đá bóng nên được tặng biệt danh O Doutor (The Doctor - bác sĩ). Ông đã mở rất nhiều trường dạy y học thể thao tại Ribeirao Preto. Đối với Socrates, cuộc sống ngoài bóng đá cũng thú vị chẳng kém, thậm chí hơn cả cuộc sống bóng đá. Socrates đích thị là cầu thủ có học thức cao hiếm hoi của bóng đá Brazil và thế giới qua một biệt danh khác là nhà hiền triết. Ít người biết Socrates có bằng tiến sĩ tâm lý!
Love football, play FM!!!!!