Nguồn http://www.tinthethao.com.vn/news/17...ve-su-thu-dong




Trận đấu đã kết thúc với tỉ số 2-2 dù hiệp một kết thúc với lợi thế hai bàn của AC Milan cùng thẻ đỏ dành cho Nenad Tomovic. Nó đã phơi bày ra một bộ mặt rất thiếu đẳng cấp của Rossoneri.

Dù đã quen với sơ đồ 4-3-3 trong thời gian gần đây nhưng HLV Vicenzo Montella tạo ra một bất ngờ nho nhỏ khi quay trở lại sơ đồ 3-5-2 từng đưa Fiorentina bay cao ở giai đoạn đầu của mùa giải. Adem Ljajic tiếp tục được sử dụng trong vai trò hộ công, thi đấu phía trên của anh là Stevan Jovetic.

Mô hình chiến thuật của hai đội trong giai đoạn đầu của trận đấu

Trong khi đó, HLV Max Allegri tiếp tục tin dùng chiến thuật 4-3-3. Mattia De Sciglio được sử dụng ở vị trí hậu vệ trái và Mathieu Flamini tiếp tục được tin tưởng ở trung tâm hàng tiền vệ, dù anh đang có phong độ khá tồi.

“Vị trí Pirlo”

Đáng để nhận ra rằng cả hai đội đã đặt trọng tâm lối chơi trong trận này vào vị trí tiền vệ tổ chức lùi, hay còn gọi là “vị trí Pirlo” theo tên của cựu tiền vệ Milan, người đã lên đến đỉnh cao trong vai trò này. Bên phía Fiorentina, đây không còn là một sự bất ngờ khi họ có David Pizarro - một tiền vệ đã quen thuộc trong vai trò kể trên; còn Milan chọn Ricardo Montolivo - cầu thủ thường đá lệch sang bên phải trong bộ ba trung tuyến (chính giữa sẽ là một tiền vệ phòng ngự như Nigel De Jong hoặc Massimo Ambrossini).

Đó không chỉ đơn thuần là sự sắp xếp vị trí, mà nó mang tầm cỡ chiến thuật cực kỳ quan trọng. Cả Pizarro và Montolivo đều là cầu thủ chạm bóng nhiều nhất ở hàng tiền vệ hai đội, cũng như đã tung ra nhiều đường chuyền nhất, với độ chính xác rất đáng nể (86% cho Pizarro và 90% cho Montolivo). Họ đóng vai trò tổ chức trận đấu một cách rất hoàn hảo.

Điểm tối duy nhất của trận đấu này với Pizarro là tình huống ở phút thứ 14 khi anh để mất bóng ngay trước mặt vòng cấm địa vào chân của chính Montolivo, dẫn đến bàn thắng cho cựu cầu thủ Fiorentina. Đó thực sự là một bất ngờ bởi Montolivo hầu như không bao giờ chủ động dâng cao, áp sát người từ xa trong trận đấu này. Theo thống kê, anh đã có 4 pha tắc bóng thành công, nhưng cả ba tình huống còn lại đều diễn ra ở phần sân nhà.

Câu hỏi dành cho Allegri là vì sao ông không cắt đặt một cầu thủ chuyên để áp sát Pizarro? Bởi chắc chắn nó sẽ mang lại lợi ích đôi: Bản thân Viola không thể thoải mái triển khai thế trận, còn những pha cướp bóng thành công sẽ lập tức trở thành những cơ hội nguy hiểm. Rất nhiều đối thủ của Juventus đã áp dụng chiến thuật này để khắc chế Pirlo, và chính Rossoneri cũng từng thành công theo cách đó.

Cùng đánh cánh trái

Dễ nhận thấy rằng hướng tiến công của cả hai đội trong trận này đều nằm ở cánh trái của họ. Fiorentina thậm chí không hề có một cú sút nào từ cánh phải, trong khi đó tỉ lệ hướng dứt điểm của Milan cũng vô cùng chênh lệch: 21% từ cánh trái và 7% từ cánh phải.



Vì sao lại có sự chênh lệch này? Câu trả lời mang tên Manuel Pasqual và Stephan El Shaarawy.

Với Fiorentina, họ đang sở hữu một trong những hậu vệ trái/tiền vệ trái ổn định nhất của Serie A. Đội trưởng của Viola đã lên công về thủ không biết mệt mỏi ở trận đấu này và hoàn thành xuất sắc cả hai nhiệm vụ. Ở khâu phòng ngự, anh có hai cú tắc bóng thành công, ba pha cắt đường chuyền của đối thủ; Ở khâu hỗ trợ tấn công, Pasqual đã thực hiện tổng cộng 7 quả tạt bóng - một con số đáng kể. Cùng với Borja Valero và Adem Ljajic, cầu thủ sinh năm 1982 đã lấn áp hoàn toàn Ignazio Abate để làm chủ phần biên này. Kevin-Prince Boateng đã cố gắng lùi sâu để hỗ trợ cho Abate nhưng hầu như không hiệu quả. Ở cánh đối diện, những nỗ lực của Alberto Aquilani và Juan Cuardrado là không thể phủ nhận, nhưng họ đã gặp phải “máy quét” Sulley Muntari và hầu như không tạo ra được những cơ hội nguy hiểm.

Với AC Milan, vai trò trọng tâm hàng công trong trận này được chuyển từ Mario Balotelli sang El Shaarawy. “Super Mario” thường xuyên lùi sâu về cánh trái của Milan để nhận bóng trước khi tổ chức lên phía trên (anh đã có 2 đường chuyền mang tính quyết định trong trận này), đồng thời kéo Stefan Savic khỏi vị trí. Shaarawy gặp sự truy cản khá lì lợm của Facundo Roncaglia, nhưng nhìn chung anh vẫn tạo ra được những cơ hội nguy hiểm, đặc biệt với sự hỗ trợ của Mattia De Sciglio. Thẻ đỏ của Nenad Tomovic dẫn đến chính trong một tình huống mà Savic rời khỏi vị trí để theo kèm Balotelli, còn “El Shaa” di chuyển thông minh vào khoảng trống để lại.

Vấn đề nằm ở chỗ, cả hai đội đều chưa có được những bài bản đặc sắc ở khâu cuối cùng, dẫn đến sự bế tắc của cả hai trong những tình huống bóng sống. Trận đấu chỉ được giải quyết bởi hai quả penalty, một pha phạt góc và một tình huống sai lầm cá nhân.

Milan nhường sự chủ động cho đối thủ

Thực ra, với cách biệt hai bàn và lợi thế hơn người, Milan hoàn toàn có thể mạnh dạn dồn ép đối thủ. Nhưng họ lại làm điều ngược lại: Co cụm bảo toàn tỉ số. Bước vào hiệp hai, trong khi Montella liều lĩnh áp dụng chiến thuật 4-3-2 thì Allegri lại quay về sơ đồ 4-3-1-2 bằng cách kéo Boateng vào giữa với mục đích không thể rõ ràng hơn là kiểm soát trung tuyến.

Những thay đổi sau thẻ đỏ của Tomovic

Nhưng đây có vẻ như là một sai lầm. Boateng tỏ ra hời hợt trong việc áp sát nhạc trưởng Pizarro của đối thủ, còn ba tiền vệ trung tâm lại giữ vị trí quá cẩn thận dù đối thủ thi đấu khá bản năng. Cánh trái vẫn là hướng tấn công trọng điểm của Fio, nhưng họ đã tận dụng nhiều hơn kỹ thuật cá nhân của Ljajic hay Cuardrado để tìm kiếm cơ hội, thay vì phối hợp bài bản. Chính sự đột biến của bộ đôi này đã mang về hai quả penalty cho Viola, nhưng cần khẳng định rằng họ đã quá thoải mái khi rê dắt bóng.

Nói không ngoa thì chính Milan đã nhường sự chủ động cho đối thủ - những kẻ cùng đường, và họ đã phải trả giá rất đắt. Lẽ ra, họ nên chọn lối chơi tấn công, hoặc chí ít là áp sát đối thủ một cách thường xuyên hơn để kiểm soát thế trận.

Những sự thay người

Một sai lầm của Allegri ở trận đấu này là thay Muntari ra, đưa Antonio Nocerino vào sân. Cả hai đều thi đấu ở cùng một vị trí, nhưng rõ ràng Nocerino đã thi đấu rất tệ. Khả năng phòng thủ của anh rõ ràng kém hơn Muntari rất nhiều, và đó là một phần lý do vì sao Cuardrado tỏ ra khá thoải mái trong hiệp hai.

Sau khi gỡ hòa, Montella đã đúng khi đưa vào sân các cầu thủ mang thiên hướng phòng ngự. Việc thay liên tiếp các tiền đạo cho các tiền vệ của Allegri chỉ giống như những nước cờ liều phút chót để cầu may.

Kết luận

Dù sao, kết quả này cũng không tạo ra ảnh hưởng quá lớn tới cục diện của trận đấu, nhưng nó đã phần nào bộc lộ vì sao hai đội bóng này không thể tiến xa hơn nữa ở mùa giải năm nay. Fio giàu tiềm năng nhưng hay có những sai lầm ngớ ngẩn, còn Milan quá cẩn trọng và hụt bước bất ngờ. Họ sẽ cần cải thiện nhiều hơn nữa, nếu muốn chinh phục những đỉnh cao như xưa.

Chủ đề tương tự: